Page 52 - Kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định 25 năm tái lập 1997-2021
P. 52
Số lượng doanh nghiệp công nghiệp phát triển nhanh, cơ sở sản xuất
công nghiệp cá thể phát triển ổn định. Năm 2021, toàn ngành công nghiệp
có 32.981 cơ sở, giảm 4,8% (1.652 cơ sở) so với năm 1997. Trong đó, loại
hình kinh tế ngoài Nhà nước chiếm hầu hết với 32.879 cơ sở, tương đương
99,7%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 93 cơ sở; kinh tế Nhà nước 9 cơ
sở. So với năm 1997, loại hình kinh tế Nhà nước giảm 47 cơ sở, kinh tế
ngoài Nhà nước giảm 1.698 cơ sở, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 93
cơ sở.
Đáng chú ý, trong khi số hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp và cơ sở cá
thể giảm (tương ứng giảm bình quân 1,7%/năm và 0,4%/năm trong 25 năm)
thì số lượng doanh nghiệp lại tăng lên rất nhanh. Bình quân giai đoạn 1997-
2021, số doanh nghiệp công nghiệp tăng 18,1%/năm, tương ứng mỗi năm
tăng gần 70 doanh nghiệp. Điều này cho thấy môi trường kinh doanh của
tỉnh đã được cải thiện. Nhiều cơ chế, giải pháp khuyến khích đầu tư và phát
triển doanh nghiệp, cùng với các hộ kinh doanh có đủ điều kiện nâng lên
thành doanh nghiệp đã giúp cho quy mô sản xuất công nghiệp ngày càng
mở rộng.
Phát triển doanh nghiệp công nghiệp là điều kiện để thực hiện các mục
tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nâng cao hiệu quả kinh tế, giữ vững ổn
định và tạo thế mạnh hơn về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong quá
trình hội nhập, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn đóng vai
trò động lực chính. Năm 2021, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có
1.686 doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh (chiếm
29,1% tổng số doanh nghiệp) với 141.869 lao động (chiếm 76,1% tổng số
lao động doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2021).
2.2. Lao động công nghiệp
Ngành công nghiệp phát triển nhanh trong 25 năm qua tạo thêm nhiều
việc làm, đóng vai trò quan trọng trong chuyển dịch lực lượng lao động từ
nông nghiệp sang công nghiệp góp phần nâng cao thu nhập và đời sống
người dân.
52